video mạng phần cứng
Bìa và lời chú bản Gia phả họ Ngô Đáp Cầu do cụ NGÔ TRỌNG TỐ biên soạn năm 1877

Bài tựa của Cụ Ngô Thế Loan viết năm 1928

 N
ước có nguồn, cây có gốc, người ta có tổ tiên. Ta đã có tổ tiên ta cần phải biết gốc tích công đức và sự nghiệp của tổ tiên. Nhưng làm thế nào mà biết được và con cháu sau này cũng có thể biết được. Tất phải có một quyển ghi chép tinh tường gốc tích, công đức, sự trạng, tiểu sử của tổ tiên để lưu đời này sang đời khác. Quyển ấy tức là gia phả. Một nhà có gia phả cũng như một nước có quốc sử.
Họ ta xưa kia gia phả thất lạc, mãi năm Minh Mệnh Canh Dần (1830), ông Lục khoa Tú tài Bát Đại tôn Thế Mẫn[1] hiệu Tốn Hiên Tiên sinh, nhân khi nhàn hạ lúc tửu hậu trà dư ngồi hầu truyện ông Lục Thế Tổ Trọng Thích, thụy Phúc Thiện kể cho biết gốc tích mấy đời về trước, khi thiếu thời ông được nghe ông cha truyền tụng lại và vài đời sau mà chính ông đã trải biết. Ông Tú bèn theo sự khẩu truyền ấy mà ghi chép được 5 đời: từ ông Phúc Khánh đến ông Phúc Thuật. Vì thế trong năm đời đó không được minh bạch.
Sau này con cháu ngày một thịnh vượng, đến đời thứ sáu mới phân làm hai chi: ông Trọng Quỳ[2] thụy Thuần Lương vào gia phả chi Giáp và ông Trọng Thích thụy Phúc Thiện vào gia phả chi Ất.
Mùa thu năm Đinh Sửu (1877) ông Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên Bát Đại tôn Trọng Tố [3], hiệu Trực Hiên Tiên sinh lại soạn tiếp vào gia phả chi Ất ta ba đời nữa: từ ông Lục Thế Tổ Trọng Thích (thụy Phúc Thiện) đến ông Bát Thế Tổ Thế Mẫn (thụy Thành Giản).
Ta nhờ sự thông minh và từng trải của ông nên gia phả trong ba đời ấy ghi chép được tinh tường.
Đến nay họ ta càng ngày càng phồn thịnh, tính cả con cháu nội ngoại ngót nghìn người, thế mà không có một quyển Gia phả Quốc văn, nên phần nhiều bọn thiếu niên ta bây giờ nói đến truyện hoang đường như Phong Thần, Thủy Hử thì thuộc mà nói đến tổ tiên sinh ra thì không biết là ai? Thực là một điều khuyết điểm to vậy.
Tôi vẫn biết, sự khuyết điểm ấy trong bọn thiếu niên ta không phải là không lưu tâm đến, nhưng hoặc vì không biết chữ Nho, hoặc vì thời buổi cạnh tranh công việc bận rộn không đủ thì giờ dịch soạn. Nhân vừa rồi các bậc ông, cha, chú, bác trong họ nhắc đến việc khuyết điểm ấy của bọn ta và khuyên tôi dịch ra Quốc văn chỗ nào không rõ các ông sẽ vui lòng chỉ giáo.
Tôi thấy việc công ích, quên mình tài sơ học thiển lược dịch ra đây để ai không biết Hán tự cũng có thể xem được sự tích tổ tiên và nhất là để làm tài liệu cho con cháu ta sau này dễ tra cứu gia phả.
Mong rằng các ông học thức trong họ vì việc công ích sau này bổ khuyết cho thành một quyển gia phả hoàn toàn thật là một điều hay cho họ ta. Về phần tôi xin chân thành cảm tạ.
Mùa thu năm Mậu Thìn (1928) vua Bảo Đại thứ ba
Cháu đời thứ mười hai Thế Loan bái tựa.
  
 
[1]Thế Mẫn, tự Thành Giản, hiệu Tốn Hiên Tiên sinh (1807-1857)
[2] Trong nguyên bản của cụ Loan viết là Trọng Đạt (仲達), nhưng đúng chữ Hán là Trọng Quỳ (仲逵), (chữ Quỳ và chữ Đạt có tự dạng gần giống nhau)
[3] Sinh năm Quý Mùi (1823) đỗ cử nhân năm Thiệu Trị thứ ba, Quý Mão (1843),  làm quan tới chức Tri huyện, thăng Tuần Phủ, lãnh Tam tuyên Tổng đốc (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang); tháng Giêng năm 1893 chuẩn thực thụ Tổng đốc, hưu trí hồi quán; mất năm Ất Tỵ (1905).